Trà đạo Việt Nam không có bề dày về mặt lịch sử như văn hóa trà Trung Hoa hay có sự chuẩn mực về mặt quy tắc như trà đạo Nhật Bản nhưng lại có nét đặc trưng rất riêng. Yếu tố đặc sắc của trà đạo Việt đến từ sự mộc mạc, từ cách pha chế cho đến hương vị trà đều mang dấu ấn riêng. Trong bài viết dưới đây, Tâm Đạo sẽ giúp bạn hiểu thêm những điều thú vị về trà đạo Việt Nam.
1. Tổng quan về văn hóa trà đạo Việt Nam
Điểm đặc trưng riêng của văn hóa trà đạo Việt Nam thể hiện rõ nét qua các loại trà được sử dụng và phong cách uống trà. Đặc biệt, dù chịu ảnh hưởng ít nhiều của nghệ thuật trà đạo Trung Hoa nhưng trà đạo Việt vẫn có bản sắc khác biệt.
1.1 Khởi nguồn văn hóa trà đạo Việt Nam
Từ cách nay hàng ngàn năm, trong dân gian đã lưu truyền một câu chuyện có liên quan đến lá trà. Chuyện kể rằng trong một chuyến viếng thăm phương Nam, vua Thần Nông đã uống nhầm một loại lá cây được nấu trong nước sôi. Khi uống xong, nhà vua cảm thấy tinh thần rất phấn chấn, thoải mái và còn đặc biệt lưu luyến vị ngọt chát của loại nước này. Sau đó, nhà vua đã gọi lá cây dùng để nấu nước là “lá chè” và nhân giống sử dụng rộng rãi cây chè trong nhân gian.
Bên cạnh đó, lịch sử còn lưu truyền một câu chuyện khác; cho rằng, văn hóa trà đạo là một trong những điều mà Trung Quốc thời đô hộ nước ta đã truyền sang Việt Nam và bắt người dân phải học theo. Tuy vậy, trải qua khoảng thời gian chống lại ách thống trị của Trung Quốc, những năm tháng dựng nước và giữ nước đầy oai hùng, ông cha ta đã xem việc uống trà là một nét văn hóa riêng của nước Nam và sở hữu nhiều điểm đặc thù riêng hình thành nên nghệ thuật trà đạo Việt.
Ở thời điểm hiện tại, thú vui uống trà được người Việt gìn giữ và phát triển như một nét đẹp truyền thống. Cùng với đó là có rất nhiều loại trà được trồng ở Lâm Đồng, Thái Nguyên, Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La…
1.2 Các loại trà phổ biến của Việt Nam
Ở nước ta có 3 loại trà phổ biến đó là trà tươi, trà khô và trà hương. Trong đó, trà tươi là những búp chè và lá chè tươi được hái trên cây, mang về rửa sạch rồi hãm trong nước ấm để thưởng thức. Còn trà khô là những búp trà tươi được thu hoạch về, đem hong cho khô, sau đó vò chè và sao cho đến khi khô cong lại.
Cuối cùng là trà hương, loại trà đặc trưng của Việt Nam. Trà được ướp với nhiều loại hoa thơm, sau đó đem đóng gói sẵn để dùng dần. Những loại trà hương nổi tiếng nhất đó là trà hoa sứ, trà lài, trà sen và trà ngũ hương.
1.3 Phong cách người Việt uống trà
Phong cách uống trà của người Việt chú trọng đến 5 yếu tố:
Nhất thủy là phần nước để pha trà, thường là nước lấy từ giếng sâu, từ các con suối tự nhiên hoặc nước mưa hứng giữa trời. Để không làm mất đi mùi vị riêng của lá trà, nước sẽ được đun sôi cho đến khi sủi tăm bằng than.
Nhì trà là loại trà được chọn để pha. 5 tiêu chí mà một loại trà ngon cần đáp ứng là sắc, vị, thần, khí và thanh. Yếu tố quan trọng nhất ở đây là thần, vì nó thể hiện được sự cuốn hút của trà đối với người thưởng trà.
Tam bôi ở đây chỉ chén uống trà, thường là loại chén mắt trâu hoặc chén hạt mít. Chén cần được tráng qua nước sôi để vệ sinh và làm nóng trước khi rót trà.
Tứ bình là ấm dùng để pha trà. Hiện có nhiều kiểu bình khác nhau để đáp ứng nhu cầu thưởng trà độc ẩm, song ẩm hoặc quần ẩm. Muốn trà nở đều và đậm đà hương vị nhất, trước khi pha trà cần rửa qua trà bằng một ít nước sôi, sau đó đổ đi rồi mới bắt đầu hãm trà.
Ngũ quần anh dùng để chỉ bạn trà. Theo đó, các cụ thời xưa thường hay ngồi uống trà vào hàng chiếu trên của các bậc thi sĩ, để cùng thưởng thức trà và đàm đạo với nhau.
1.4. Những nét đặc trưng trong văn hóa trà đạo Việt Nam
Trà Đạo người Việt mang nét đặc trưng giản dị, gần gũi đậm chất truyền thống văn hoá làng xã. Hình ảnh thưởng trà của người Việt hiện lên với hình ảnh giản đơn, mọi người cùng trò chuyện, đàm đạo ở cây đa, hiên nhà.
Sự đơn giản trong thưởng trà của người Việt gắn kết những con người chân chất, mộc mạc. Nhưng trà Việt vẫn mang nét đặc trưng riêng, đơn giản nhưng không sơ sài.
Chén trà tròn vị phải kể đến nhiều yếu tố như chất lượng trà, chất lượng nước, ấm pha trà, thông qua bàn tay của người pha trà để tạo nên chén trà tròn vị nhất.
2. Bộ dụng cụ pha trà
Dụng cụ pha trà là yếu tố không thể thiếu nếu như muốn có được một chén trà ngon. Bộ dụng cụ pha trà cơ bản bao gồm:
Ấm trà: Cần có chất lượng tốt với khả năng giữ nhiệt cao để giúp duy trì được trọn vẹn hương vị thơm ngon của trà. Một số loại ấm pha trà rất được ưa chuộng đó là ấm chén tử sa, ấm sành gốm, ấm Bát Tràng…
Chén/ly trà: Thường có chén tống và chén quân. Với chén tống là chén lớn dùng để rót trà ra chén quân (chén nhỏ) được đều vị, lọc bớt cặn trà, giảm nhiệt và lưu giữ được màu sắc đặc trưng của trà.
Khay đựng trà có nhiều chất liệu, kiểu dáng, màu sắc, kích thước khác nhau giúp cho bàn trà thêm lịch sự, trang nhã.
Hũ đựng trà giúp bảo quản trà không bị ẩm mốc và vệ sinh hơn.
Bộ dụng cụ gắp trà để gắp trà ra khỏi hũ đúng lượng và đảm bảo vệ sinh.
Các trà cụ khác như bộ lọc trà, ấm nấu nước, ấm đựng nước pha trà…
3. Nghệ thuật pha trà Việt gồm 5 bước
Nghệ thuật pha trà phần nào thể hiện rõ nét nhất văn hóa trà đạo Việt Nam. Muốn trà thơm ngon, đậm vị thì cần phải biết cách pha trà đúng chuẩn Việt với 5 bước như sau:
3.1 B1: Làm nóng ấm chén
Đầu tiên, bạn cần làm nóng ấm và chén trước khi pha trà. Bước này sẽ giúp ấm và chén được tráng sạch, hương vị trà cũng được giữ lâu hơn sau khi pha.
3.2 B2: Đong trà
Đong 8g trà khô vào ấm trà 300ml, sau đó rót nước nóng nhẹ nhàng và từ từ vào ấm trà.
3.3 B3: Đánh thức trà
Đánh thức trà là bước rót hết nước vừa đổ vào ấm ở bước trên ra ngoài. Cách làm này giúp trà sạch hơn, đồng thời, loại bỏ bớt vị chát sẵn có của trà.
3.4 B4: Hãm trà
Ở bước này, chúng ta cần tiếp tục rót nước nóng thật nhẹ nhàng vào ấm trà. Sau đó, đậy nắp ấm lại và để yên hãm trà trong khoảng 20 đến 25 giây.
3.5 B5: Rót trà
Thực hiện rót đều nước trà ra các chén và bắt đầu thưởng thức hương vị thơm ngon của trà.
4. Nghệ thuật thưởng trà Việt có những yếu tố nào?
Ngoài cách pha trà thì thưởng trà cũng là một môn nghệ thuật riêng trong văn hóa trà đạo Việt Nam. Nghệ thuật thưởng trà có những điểm rất thú vị, bao gồm các yếu tố về thời gian và không gian thưởng thức trà.
4.1 Nghệ thuật dâng trà Việt
Trước khi thưởng thức chén trà, chúng ta cũng cần phải học cách dâng trà. Cách dâng trà đúng sẽ là ngón giữa đỡ đáy chén trong khi ngón cái và ngón trỏ đỡ miệng chén. Hành động này khi dâng trà được ví như “tam long giá ngọc”, thể hiện được sự tôn trọng, cung kính của người dâng trà đối với người thưởng trà.
Đặc biệt lưu ý, người thưởng trà cũng phải đáp lại bằng cách nâng chén trà bằng hai tay, đồng thời đầu cúi chào nhận lấy chén trà. Khi uống trà nên từ tốn, ngậm từng ngụm nhỏ. Như vậy, người uống trà sẽ cảm nhận được trọn vẹn mùi thơm thoang thoảng ở khoang miệng, sau đó là vị chát nhẹ nơi đầu lưỡi và lắng đọng vị ngọt hậu.
4.2 Thời điểm thưởng trà thích hợp
Trà đạo có thể được xem là cầu nối gắn kết con người với nhau. Điều này thể hiện rõ nét giá trị văn hóa Việt Nam là đề cao con người. Thời điểm thích hợp nhất để dùng trà là khi có khách. Cách làm này cho thấy sự tôn trọng của gia chủ đối với khách đến thăm nhà.
4.3 Không gian lý tưởng thưởng trà
Không gian thưởng trà thích hợp thường là phòng khách hoặc khu vực sân vườn yên tĩnh, thoáng mát. Ở đây, gia chủ và khách có thể cùng nhau đàm đạo, bàn chuyện nhân sinh.
Ngoài ra, những quán nước dưới bóng mát của cây đa hoặc bến nước cũng là không gian thưởng trà đậm chất xưa đã ghi dấu trong tâm trí của người Việt. Sự bình dị, dân dã, đầy tình người và giá trị nhân văn cũng chính là nét đặc trưng trong nghệ thuật trà đạo Việt Nam.
Trên đây, Tâm Đạo vừa giới thiệu đến bạn một số đặc điểm nổi bật nhất của văn hóa trà đạo Việt Nam. Hy vọng rằng đã cung cấp những thông tin hữu ích cho những ai đang tìm hiểu về vấn đề này. Ngoài ra, nếu bạn muốn tìm mua các loại trà và trà cụ chất lượng thì có thể tham khảo thêm tại Tâm Đạo nhé!